Có một câu hỏi từ bạn Tuân gửi về cho Vin Security như sau:
“Chào Vin Security, mình đã tìm hiểu nhiều bên thông tin tuy nhiên vẫn còn băn khoăn nên nhờ Vin Security giải đáp. Hiện tại mình đang làm bảo vệ cho cơ quan A ở TPHCM, có ký hợp đồng 68. Giờ làm việc tổng là 40 giờ/ tuần. Có nghỉ ngơi theo quy định hiện hành. Lương thì quy định theo hệ số lương nhân viên bảo vệ là bậc 1, hệ số 1,5.
Tuy nhiên do cơ quan cũng khá rộng nên có tổng 2 bảo vệ và chia ca là 1 tuần trực và 1 tuần nghỉ. Vì vậy mình trực 1 tháng 2 tuần. Tình ra thì 24 giờ x 2 tuần = 336 giờ, còn nếu làm đúng chuẩn 40 giờ x 4 tuần = 160 giờ. Thời gian chênh ra rất nhiều: 336 giờ – 160 giờ = 176 giờ. Và mình đã làm cho cơ quan này 2 năm rồi. Vậy có cách nào để báo cáo lại với cơ quan cho họ hiểu và hoàn tiền cho mình phần thời gian bị vượt này không? Hoặc cho mình xin thông tin về quy định thời gian trực bảo vệ, thời giờ nghỉ ngơi của bảo vệ theo quy định pháp luật hiện hành với. Cám ơn Vin Security”. Để biết thêm chi tiết về dịch vụ công ty bảo vệ và thông tin tuyển dụng bảo vệ hãy liên hệ Vin Sercurity ngay
Câu giải đáp:
Chào Tuân, Vin Security cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Dưới đây là một vài căn cứ pháp lý mà bạn có thể tham khảo:
- Bộ luật lao động năm 2012.
- Nghị định 68/2000/NĐ-CP Về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp
- Nghị định 45/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động
1. Quy định về thời giờ làm việc nghỉ ngơi của bảo vệ theo pháp luật hiện hành
Theo quy định tại điều 104 khoản 1 và 2 Bộ luật Lao động 2012 thì:
“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.”
Như vậy có thể hiểu là theo luật thì bạn có thể làm tối đa 48 giờ, những nhà Nước khuyến khích chỉ nên làm tuần 40 giờ.
Về thời gian nghỉ theo tuần thì tại bộ luật này điều 110 có quy định như sau:
Điều 110. Nghỉ hằng tuần
“1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ ít nhất 04 ngày trong 01 tháng.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ cho người lao động hằng tuần vào ngày chủ nhật, hoặc một ngày cố định khác trong tuần. Đảm bảo ghi rõ ngày nghỉ này vào nội quy lao động.”
Tuy nhiên, trường hợp bạn Tuân làm bảo vệ trong cơ quan, tính chất công việc bắt buộc phải làm 24/24, khó có thể phân ra đâu là giờ làm hoặc giờ nghỉ. Thì bạn có thể vừa làm việc, vừa tranh thủ nghỉ ngơi. Thời giờ nghỉ ngơi của bảo vệ theo điều 117 Bộ luật Lao động năm 2012 được quy định như sau:
“Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, thăm dò khai thác dầu khí trên biển; làm việc trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật; sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân; ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần; công việc của thợ lặn, công việc trong hầm lò; công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ thì các bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 108 của Bộ luật này.”
Như vậy, về thời giờ nghỉ ngơi của nhân viên bảo vệ, chắc chắn rằng các bộ/ngành/cơ quan quản lý/ công ty của bạn đã thống nhất thời giờ làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đặc biệt phải tuân thủ quy định tại Điều 108 của Bộ luật này:
Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc
“1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động có thể quy định thêm các thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.”
Vậy, nếu bạn làm việc liên tục vào ban ngày thì sẽ được nghỉ ít nhất 30 phút. Hoặc làm liên tục ban đêm thì được nghỉ 45 phút. Dựa trên thông tin bạn Tuân cung cấp chưa thấy nói rõ là có được nghỉ hay không nên khó biết được công ty bạn có đang làm trái luật hay không. Bạn có thể tự đối chiếu với quy định này, nếu được nghỉ ngơi đúng như trên thì cơ quan bạn vẫn làm đúng theo pháp luật.
2. Xử lý thế nào khi công ty vi phạm quy định về thời giờ làm việc nghỉ ngơi của bảo vệ ?
Nếu bạn Tuân phải làm việc liên tục 24 giờ và không có thời gian nghỉ như quy định bên trên, bạn có thể làm đơn khiếu nại công ty xem xét lại chế độ làm việc cho lao động theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan có thể bị xử phạt hành chính theo điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP do vi pham quy định về thời giờ làm việc nghỉ ngơi.
Nếu trong trường hợp bạn Tuân không đồng ý tăng ca, nhưng cơ quan vẫn ép bạn phải làm việc 24/24 giờ trong 1 ngày thì bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Phòng lao động thương binh và xã hội nơi công ty bạn đang đóng trụ sở, để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi cho mình.
Còn trong trường hợp bạn đã thỏa thuận với cơ quan về việc làm 24 giờ trong 2 tuần 1 tháng thì bạn sẽ được hưởng các quyền lợi đối với lao động tăng ca và được trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định tại điều 97 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Làm thêm giờ ngày thường, lương trả thêm ít nhất bằng 150%;
b) Làm thêm giờ ngày nghỉ hằng tuần, lương trả thêm ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, lương trả thêm ít nhất bằng 300%. Chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”
Bạn Tuân hãy đối chiếu với thông tin phía trên và tính được 176 giờ làm chênh ra thì tương ứng với bao nhiêu chi phí. Sau đó kiến nghị với công ty. Trường hợp công ty đã xem nhưng vẫn không trả lương phần này cho bạn thì hãy khiếu nại lên Phòng lao động thương binh và xã hội nơi công ty bạn đang đóng trụ sở.
Công ty sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo khoản 3 điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về tiền lương bằng hình thức phạt tiền từ 5.000.000đ – 10.000.000đ. Đồng thời, công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điều này như sau:
“a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;
b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.”
Vin Security hy vọng với các thông tin và điều luật chúng tôi đã nêu phía trên đã có thêm dữ kiện để bạn tham khảo. Nếu còn bất kì vướng mắc nào, hãy liên hệ thêm với các bên công ty luật sư để được tư vấn rõ ràng, chính xác nhất về quy định thời gian trực bảo vệ, thời giờ nghỉ ngơi của nhân viên bảo vệ.